Vứt đi mới là không lãng phí
Với tâm lý tiết kiệm, nhiều người cố giữ lại những thứ không còn giá trị sử dụng và nhanh chóng hình thành những “bãi rác” trong chính ngôi nhà của mình.
“Sao lại vứt bỏ đi là thế nào? Vẫn còn dùng được cơ mà. Lãng phí quá đi mất”.
Tiếng mẹ tôi từ bên ngoài lanh lảnh vọng vào trong nhà. Bà lại bới hết mấy cái túi nilon và bìa các tông được tôi phủ bên trên rồi mang vào trong nhà mấy chiếc nồi nhôm cũ mèm.
Đã cả năm nay mẹ tôi bỏ mớ nồi cũ trong góc bếp sau khi tôi mua về cho ông bà một bộ nồi mới. Các vết ố vàng và nấm xanh đã mọc lên bên trong lòng của mấy cái nồi. Bà luôn có thói quen giữ lại những thứ “còn dùng được” để “khi nào cần thì dùng”.
Mới đây vài tuần, khi những đợt gió mùa đầu tiên mới về, vợ tôi bắt đầu lướt khắp lượt các trang mua sắm để kiếm tìm thêm mấy đôi giày. Ít hôm sau, trong tủ giày đã có thêm 2 đôi mới. Những đôi giày cũ từ lâu không dùng đến vẫn chen nhau nằm trong một góc tủ. Có đôi đã lên mốc trắng xóa bên ngoài lớp da. Ấy vậy mà vợ tôi nhất quyết không chịu bỏ đi, để “khi nào cần thì dùng, bỏ đi phí lắm”.
Trong tủ quần áo có những bộ đầm mới chỉ mặc có 1 lần, còn hầu hết thời gian là treo trên mắc. Khi thấy chẳng còn chỗ để treo trong tủ nữa, cô ấy lại chọn ra một vài thứ rồi đem dúi vào trong chiếc vali đựng đồ mang theo về nhà chồng từ ngày mới cưới.
Có những bộ đồ lần cuối động đến là từ 8 năm trước, khi cô ấy còn mặc vừa size S, và đến giờ vẫn muốn giữ lại vì “biết đâu khi nào cần mặc đến”.
Nhiều người vướng phải tâm lý tiếc nuối khi bỏ đi những đồ dùng đã cũ (Ảnh minh họa) |
Góc nhà nơi để chiếc vali đã có thêm vài thùng các tông nữa chứa đồ của mẹ và của con. Nhiều lúc tôi bật cười, nhưng cũng phát bực khi tìm thấy trong tủ quần áo của hai đứa nhỏ vẫn còn tã, bỉm, quần áo sơ sinh. Tôi hay đùa với vợ rằng “định thêm đứa nữa hả!”
Quá thể nhất, phải nói đến là thói quen “sưu tầm túi nilon”. Ngày nào đi chợ về, vợ tôi cũng gom lại mấy cái túi nilon đựng rau hay đồ khô màu xanh, màu hồng nhạt, vo tròn lại rồi bỏ tạm bợ vào bên trong một cái túi nilon khác.
“Em gom lại đó để đựng rác, hoặc khi cần thì lấy túi đâu ra mà dùng. Anh lúc nào cũng chỉ vứt đi, lãng phí”.
Thế là lúc nào trong nhà cũng có thêm một túi rác nữa để đựng các… túi rác, và nó cứ ngày một to ra. Bữa tối nào cũng như ngồi cạnh bãi rác, không hề thoải mái chút nào. Một thời gian sau, những thứ “vẫn còn dùng được” ấy rồi cũng đều phải mang bỏ đi khi rỉ sét, hoen ố hoặc bị côn trùng vào làm tổ.
Việc giữ lại nhứng thứ đồ không dùng đến nữa có thực sự là tiết kiệm? Nếu là một cái nồi hỏng, một đôi giày cũ, hay một bộ quần áo đã chật, tôi cũng không hề muốn nằm chết gí đâu đó trong xó nhà, chồng đống lên nhau.
Ở một nơi khác, những vật dụng này có thể bắt đầu một vòng đời mới. Hoặc với một người khác, những thứ đã cũ, đã chật vẫn còn có tác dụng.
Cho đi những vật dụng không còn dùng đến nữa cũng là một việc làm tốt (Ảnh minh họa) |
Thế nên cứ cố giữ lại những vật dụng cũ không phải hẳn là một cách tiết kiệm. Hãy tìm cách để những đồ dùng ấy không trở nên vô ích bằng cách cho đi, hoặc đơn giản là vứt đi.
Việc thải loại những vật dụng không còn dùng đến nữa không chỉ góp phần làm đẹp hơn, gọn gàng hơn không gian sống trong gia đình, mà còn giảm bớt những khó chịu nhỏ nhặt cho người thân. Vậy nên hãy vứt đi để không lãng phí.
C.A