Buông để nhẹ nhàng bước tiếp
Khi đau khổ, không ít người vẫn loay hoay tìm ai đó, hoàn cảnh nào đó để đổ thừa. Việc này khiến họ ôm khư khư nỗi đau vì không có ai lên tiếng chịu trách nhiệm giải quyết. Thực tế, buông bỏ cho phép chúng ta sang trang để đi đến một chương mới tươi sáng trong câu chuyện của mình.
Cô Trish (tác giả bài viết) và một món quà từ học viên – một bức tranh đầy những lời cảm ơn |
Chuyển hóa mô hình suy nghĩ
Hoài Hương đã bị tổn thương khi chồng cô đi theo một người phụ nữ khác. Vì cô nắm giữ rất nhiều oán giận nên chúng thường hiện lên lời nói của cô. Cô than phiền với 2 đứa con đang là học sinh trung học rằng cha chúng đã cư xử tệ bạc như thế nào. Các con cô rất buồn về điều này. Cậu con trai tuổi teen trầm cảm đến mức không thể học hành.
Hương thường xuyên đau bệnh và phải cố hết sức để giữ công việc của mình. May mắn là cô đã học được một kỹ thuật để buông bỏ. Sau vài tuần, cô đã có thể chữa lành bản thân khỏi nỗi đau đớn trong tình huống của mình. Cô cảm thấy một sợi dây xích nặng nề đã được tháo ra khỏi chân.
Ảnh mang tính minh họa – Pressfoto |
Trong một khoảnh khắc lóe sáng, cô nhận ra chồng cô phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn và hành vi của anh ấy. Điều quan trọng là cô cũng phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình. Đó là những suy nghĩ mà cô đã chọn tạo ra chúng trong tâm trí để hồi đáp với tình huống.
Chồng cô đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời cô và các con cô, nhưng với lựa chọn không buông bỏ, cô và các con đã chịu đựng trong 2 năm. Tuy nhiên, vào lúc này, khi lựa chọn quá trình chữa lành của buông bỏ, cô bắt đầu xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và các con.
Hương cũng thu được từ tình huống một bài học để phân định rõ ràng hơn trong việc ra quyết định. Đây là điều mà cô đã thiếu sót trong quá khứ, điều này thường dẫn cô đến những quyết định làm cho cô phải hối tiếc. Bây giờ, với bài học mới này, cuộc sống của cô đã hạnh phúc hơn nhiều và sự nghiệp cũng thành công hơn.
Hương bày tỏ: “Tôi rất tức giận bởi vì cuộc sống của tôi và của các con tôi đã bị chồng tôi hủy hoại”. Đó là một suy nghĩ cô tạo ra và nó ở trong tâm trí cô suốt hai năm. Bây giờ, cô chuyển sang suy nghĩ: “Mỗi ngày tôi chọn biết ơn cuộc sống và các con”. Cô thấy rằng, vào cuối ngày, cô có thể liệt kê ít nhất 10 điều, hoặc 20 điều để biết ơn. Cô tạo ra trò chơi này để chơi cùng với các con ở bàn ăn – xem ai có thể liệt kê ra nhiều điều để biết ơn nhất và bữa ăn rất vui vẻ.
Đôi khi những mẫu hình suy nghĩ cũ quay trở lại trong tâm trí Hương, cô nhanh chóng nhớ lại điều cô đã đạt được và thay ngay suy nghĩ cũ ấy bằng một suy nghĩ mang đến lợi ích.
Những kỹ thuật buông bỏ
Để cuộc thử nghiệm đạt hiệu quả – bạn dành 1 giờ tại một nơi yên tĩnh. Trước khi bắt đầu, hãy can đảm cất điện thoại và dành ra vài phút để thư giãn cơ thể và tâm trí bạn.
Kỹ thuật 1: Kỹ thuật này được thiết kế cho những tình huống gần đây khiến bạn không thoải mái. Bạn hãy tự hỏi bản thân một cách chậm rãi:
1. Tôi đang tạo ra những suy nghĩ nào về tình huống khiến tôi đau đớn? (thường là những suy nghĩ như: “Tôi cảm thấy… bởi vì…).
2. Suy nghĩ này làm tôi đau đầu như thế nào?
3. Suy nghĩ này làm cho trái tim tôi đau như thế nào?
4. Người thông thái nhất mà tôi biết sẽ khuyên tôi có suy nghĩ mới nào để thay thế cho suy nghĩ này?
5. Tôi nghĩ đến suy nghĩ mới này và cảm nhận suy nghĩ này ở cả cái đầu và trái tim mình 21 lần mỗi ngày trong 21 ngày.
Kỹ thuật 2: Kỹ thuật này gồm 4 bước được thiết kế cho những biến cố mà bạn đã ôm giữ một thời gian dài.
1. Chấp nhận rằng biến cố là một phần trong cuộc đời bạn
– Đó là 1 trang, trong 1 chương, trong câu chuyện của bạn. Chấp nhận không có nghĩa là đồng ý. Chấp nhận nghĩa là bạn cho phép bản thân đi vào quá trình đạt được sự tự do khỏi những nỗi đau. Chấp nhận là một hành động của lòng trắc ẩn đối với bản thân…
Bạn hãy nhẹ nhàng lặp lại với chính mình: “Tôi chấp nhận biến cố này là một phần trong câu chuyện cuộc đời tôi…”. “Tôi chấp nhận biến cố này với tư cách là chủ nhân cuộc đời mình và vì lòng trắc ẩn đối với bản thân, tôi có thể vượt lên trên nỗi đau”.
2. Thấu hiểu điều nằm bên dưới biến số
Thường khi chúng ta suy ngẫm, chúng ta có thể nhìn thấy rằng có một lý do cho sự cố – đó có thể là yếu kém của ai đó, hay yếu kém của bản thân mình… hoặc căng thẳng, hoặc tức giận… Thấu hiểu điều nằm bên dưới một sự cố có thể giúp ích rất nhiều trong việc làm giảm cảm xúc mà chúng ta nắm giữ đối với nó hoặc những người có liên quan.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
3. Thu hoạch được từ việc học hỏi
– Trở lại chuyện của Hương, cô đã học từ một trải nghiệm cay đắng cách để trở thành 1 người ra quyết định tốt hơn và mang sự thông thái đó vào cuộc sống gia đình và sự nghiệp của cô. Những điều được thu hoạch từ những trải nghiệm cay đắng hỗ trợ rất nhiều trong việc chữa lành.
4. Buông bỏ
– Cảm nhận sự tự do nội tại của việc mở ra “cánh cửa tâm trí” và để cho biến cố đi vào quá khứ. Nếu thỉnh thoảng trong hiện tại bạn lại nhớ đến biến cố một lần nữa thì bạn hãy nhanh chóng nhớ ra điều mà mình đã thu hoạch được từ biến cố đó.
Tốc độ của việc chuyển hóa những suy nghĩ oán giận và đau đớn lệ thuộc vào thời gian mà chúng ta đã tạo ra mẫu hình suy nghĩ tiêu cực đó. Nếu chúng ta đã nghĩ đến 1 mô hình suy nghĩ tiêu cực trong 20 năm thì thường sẽ tốn nhiều thời gian để chuyển hóa hơn so với trường hợp mà chúng ta chỉ vừa tạo ra 1 mô hình suy nghĩ trong 2 tuần.
Tính hiệu quả trong việc chuyển hóa suy nghĩ cũng phụ thuộc vào mức độ quyết tâm mà chúng ta áp dụng trong mô hình suy nghĩ mới. Suy nghĩ sâu sắc và trải nghiệm suy nghĩ mới nhiều lần trong ngày thì suy nghĩ cũ sẽ được chuyển hóa nhanh hơn.
Nếu chúng ta thực hành phương pháp này với sự quyết tâm thì hầu như chúng ta luôn có thể chuyển hóa mô hình suy nghĩ cũ và buông bỏ.
Tuy nhiên, nếu sau khi áp dụng trọn vẹn trong 21 ngày mà không có sự chuyển hóa hoặc giải tỏa, và nỗi đau vẫn còn, chúng ta có thể khám phá 1 kỹ thuật khác. Có một số kỹ thuật khác cũng hiệu quả để buông bỏ.
Tuy nhiên, nếu sau khi đã thử nhiều kỹ thuật khác nhau mà bạn thấy rằng biến cố vẫn mang đến nhiều bất hạnh, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất, bạn có thể xem xét nhận hỗ trợ từ giới chuyên môn, bác sĩ, chuyên viên khai vấn, tham vấn để giúp bạn buông bỏ biến cố trong đời.
Trish Summerfield
– Cố vấn Trung tâm Inner Space Vietnam