Cựu nhân viên Microsoft tiết lộ nguyên nhân khiến Windows 10 càng ngày càng nhiều lỗi

Liệu có phải trong vài năm qua số lượng lỗi trong các bản cập nhật Windows 10 tăng dần đều không? Nếu sự thật là vậy thì nguyên nhân nằm ở đâu? Jerry Berg, một cựu kỹ sự phát triển phần mềm cấp cao của Microsoft sẽ cho bạn câu trả lời.

Jerry Berg đã làm việc cho Microsoft 15 năm, vai trò của anh là thiết kế và phát triển các công cụ và quy trình để tự động hóa việc kiểm thử hệ điều hành Windows. Anh rời Microsoft sau khi Windows 8.1 được tung ra.

Berg đã mô tả lại cách Microsoft tiến hành kiểm thử Windows trong giai đoạn cuối năm 2014 đầu năm 2015. Dựa vào đó, có thể thấy quy trình kiểm thử đã được Microsoft thay đổi một cách đáng kể. Và thật thất vọng khi những thay đổi của Microsoft lại dẫn tới việc các bản cập nhật Windows ngày càng nhiều lỗi hơn.

Trở lại năm 2014/2015, Microsoft đã thuê một nhóm nhân viên chuyên kiểm thử hệ điều hành, các bản build, các bản cập nhật, các driver… Nhóm nhân viên này lại được chia thành nhiều nhóm nhỏ với nhiệm vụ chạy các bài kiểm tra/thử nghiệm và thảo luận về các vấn đề và các lỗi trong những cuộc họp được tổ chức hàng ngày.

Các bài kiểm tra/thử nghiệm được tiến hành thủ công cũng như các quy trình kiểm thử tự động. Nếu không có vấn đề gì, các đoạn code mới đó sẽ được phép tích hợp vào Windows.

Các nhân viên tiến hành những thử nghiệm trên phần cứng thật trong những phòng thí nghiệm. Các cỗ máy dùng cho mục đích thử nghiệm có cấu hình phần cứng khác nhau. Điều này giúp họ phát hiện ra các lỗi chỉ ảnh hưởng tới một số cấu hình hoặc linh kiện phần cứng nhất định.

Tuy nhiên, Microsoft đã sa thải gần như toàn bộ nhóm kiểm thử Windows khi họ quyết định chuyển trọng tâm từ 3 hệ thống khác nhau – Windows 10, Windows Mobile, Xbox – sang một hệ thống duy nhất. Bên cạnh đó, Microsoft cũng chỉ đạo nhân viên tiến hành hầu hết các quy trình, bài kiểm tra/thử nghiệm trên máy ảo thay vì những chiếc máy tính thực sự. Theo Berg, thay đổi này khiến quá trình kiểm tra/thử nghiệm Windows mất đi sự đa dạng và không thể bao quát được các vấn đề trên những phần cứng khác nhau nữa.

Trước đây, theo Berg, máy tính của nhân viên của Microsoft cũng được dùng cho mục đích thử nghiệm. Các nhân viên sẽ đóng vai trò người dùng, báo cáo lỗi của Windows nếu họ gặp phải trong quá trình làm việc hàng ngày. Nhưng hiện tại, Berg nói rằng nhân viên của Microsoft không còn hăng hái tham gia chương trình này nữa.

Hiện tại, bên cạnh các hệ thống kiểm thử tự động, nguồn dữ liệu kiểm thử Windows chính của Microsoft đến từ tính năng Telemetry và người dùng tham gia chương trình Windows Insider. Các bản build Windows Insider được cài đặt trên hàng triệu thiết bị và Microsoft thu thập dữ liệu lỗi băng tính năng Telemetry trên các thiết bị này.

Nếu có vấn đề gì đó xuất hiện, Microsoft sẽ nhận được thông tin qua Telemetry. Nhưng có một vấn đề đó là hầu hết các lỗi không thể phát hiện qua Telemetry. Microsoft sẽ không thể phân tích một cách rõ ràng vấn đề thông qua những dữ liệu mà Telemetry thu thập được. Về mặt lý thuyết, người dùng có thể báo cáo trực tiếp vấn đề cho Microsoft nhưng nhiều người không làm vậy. Đôi khi báo cáo của người dùng lại bị lãng quên hoặc bị các báo cáo khác chồng lên trên và bị bỏ qua.

Ngoài ra, khi người dùng tham gia chương trình Windows Insider báo lỗi họ thường không cung cấp những thông tin cần thiết cho Microsoft. Điều này khiến các kỹ sư được giao nhiệm vụ khắc phục vấn đề gặp rất nhiều khó khăn.

Windows 10 2004 mới ra mắt ngoài các tính năng còn đi kèm một loạt vấn đề khá khó chịu
Windows 10 2004 mới ra mắt ngoài các tính năng còn đi kèm một loạt vấn đề khá khó chịu

Ở thời điểm năm 2014/2015, nhóm kiểm thử sẽ phân tích các lỗi và sự cố sau đó cung cấp cho những kỹ sư các dữ liệu họ cần để giải quyết vấn đề. Ngay nay, theo Berg, các kỹ sư sẽ mày mò trong đống dữ liệu mà Telemetry thu thập được để tìm ra cách khắc phục vấn đề. Sau đó, họ sẽ đưa bản sửa lỗi tới các thiết bị tham gia chương trình Windows Insider để xem vấn đề đã được khắc phục hay chưa, có tạo ra lỗi mới hay không.

Microsoft ngừng tung các bản cập nhật Windows 10 cho tất cả người dùng cùng lúc bởi họ sợ rằng những vấn đề chưa được khắc phục sẽ ảnh hưởng tới một số lượng lớn người dùng. Để tránh thảm họa như bản Windows 10 1809, Microsoft hiện đang áp dụng phương pháp cập nhật theo từng giai đoạn.

Có thể nói, theo Berg, thay đổi mà Microsoft áp dụng cho quy trình kiểm tra/thử nghiệm phần mềm của họ chỉ khiến cho các bản cập nhật Windows 10 ngày càng có nhiều lỗi hơn. Hy vọng rằng Microsoft sẽ sớm nhận ra vấn đề của mình để các bản cập nhật Windows sau này có chất lượng cao hơn.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Dịch Vụ CNTT DHL - Bảo trì máy tính tận nơi