Sử dụng câu từ chuẩn mực để dạy con
Xã hội vận động nên việc phát sinh các hình thức ngôn ngữ mới, cách diễn đạt mới lạ là điều hiển nhiên. Nhưng quan trọng là tiếp nhận có chọn lọc.
Gần đây, nhân dịp họp mặt cuối năm của một nhóm đồng nghiệp cũ, tôi chú ý nhất lời tự sự của một chị. Câu chuyện ấy gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ, rất nhiều nỗi trăn trở. Chị nói, giới trẻ Việt Nam lẫn những chị em đã qua thời trẻ có nhiều trào lưu quá. Nhưng sao chị nhìn thấy những điều chưa hay, nhí nhố, thậm chí lệch lạc nhiều hơn những mặt tích cực.
Sáng ngủ dậy đã thành người tối cổ, không hiểu thiên hạ nói gì, diễn đạt điều gì, dù mình đang sống ở Việt Nam, đang dùng tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt. Khỏi cần bàn thêm, thì hầu như ai trong chúng ta cũng biết những cách dùng từ mà nhiều người cho là “trend”. Nhưng không phải ai cũng nhận ra được mặt trái của nó.
Bạn có thấy ngạc nhiên bởi hiện tượng dùng từ ngữ rối loạn và vô nghĩa đó không? “Chiếc nhà” hay “ chiếc em bé” là thứ gì? Nghe không lọt tai chút nào. Chẳng phải một ngôi nhà và một đứa bé như vốn có hay sao?
Trong quyển sách Hiểu về trái tim thiền sư Minh Niệm có nhắc đến một chi tiết khá hay ở trang 140: “Người trẻ bây giờ rất thông minh, tài giỏi. Mỗi khi họ chạm vào máy tính thì y như phù thủy giơ đũa thần ra đủ kiểu phép màu, nhưng khi bước ra đời thực thì ngơ ngơ ngác ngác cứ như từ hành tinh nào đến vậy”.
Thật vậy, mỗi ngày, trên mạng xã hội, tôi luôn có cảm giác không dễ chịu chút nào khi bắt gặp thường xuyên, tần số dày đặc cách bóp méo từ ngữ, nói trại để cười, hoặc để chứng tỏ mình là người thời thượng, theo kịp xu hướng. Nhưng mấy ai hiểu được vấn đề, nhìn nhận rõ là cách sử dụng lệch lạc này, nếu thường xuyên lặp lại, thành xu hướng thì làm biến dạng ngôn ngữ Việt Nam?
Nhìn xem, những người lớn chúng ta đang làm gì với thế hệ con em mình, những thế hệ tiếp nối? Từ bao giờ mà lối diễn đạt chuẩn mực quen thuộc “một con mèo” được biến thành “một chiếc mèo”?
Rồi hằng hà sa số những vệt đen tương tự như vậy đầy rẫy trên dòng thời gian, tràn lan từ Facebook, qua Instagram lẫn TikTok với các kiểu “Một chiếc cơm chiều cuối tuần”, “một chiếc cà phê cho cuối tuần”. Trời ơi, tôi phải chau mày, mắt tròn mắt dẹt, đứng hình vài giây mới định thần lại, vì tôi không hiểu “chiếc cà phê” là chiếc gì, “chiếc cơm chiều” có khác với “quán cà phê”, “bữa cơm chiều” vốn gần gũi, thân quen bấy lâu?
Văn minh, hiện đại, không có nghĩa là hùa theo, nhắm mắt đưa chân theo những cách diễn đạt, trào lưu khó hiểu, tối nghĩa, thậm chí là lệch lạc. Tôi cho rằng, không phải cứ hùa theo đám đông theo định luật trong tâm lý học Bandwagon là văn minh, là thời thượng. Đồng ý là thời đại này, ai cũng phải “ăn theo thuở, ở theo thời” để bắt kịp nhịp sống, dòng chảy của đời sống, nhưng trào lưu phản cảm, vô nghĩa, méo mó qua cách dùng từ như vậy không làm chúng ta tiến bộ, văn minh và tinh tế hơn.
Thử tưởng tượng, dần dà, những cách nói này được sử dụng thường xuyên, tần suất dày, thì trẻ con tiếp nhận ra sao, hiểu thế nào? Chắc chắn sẽ bị rối loạn ngôn ngữ. Thầy cô giáo sẽ mất công để giảng giải, sửa sai và uốn nắn lại.
Có bạn hỏi, tôi thấy các chị quan trọng hóa vấn đề, chê bai, hoặc làm quá lên một vấn đề như thế, vậy có giải pháp gì không?
Thứ nhất, ai cũng hiểu, đây là quy luật tự nhiên trong việc hình thành các biến dạng ngôn ngữ. Nhu cầu xã hội có, nên việc phát sinh các hình thức ngôn ngữ mới, cách diễn đạt mới lạ là điều hiển nhiên. Nhưng quan trọng là việc học cách tiếp nhận có chọn lọc. Gia đình, phụ huynh, nhất là người mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gạn đục khơi trong này.
Kế đến, nhà trường, các nhà giáo dục, các thầy cô giáo cũng cần nâng cao ý thức hơn trong việc dạy, và học thông qua việc duy trì xây dựng các phong trào giữ gìn vẻ đẹp ngôn ngữ của dân tộc mình, giữ gìn bản sắc tốt đẹp của ngôn ngữ Việt Nam, của đất nước mình để các em ý thức rõ.
Cuối cùng, quan trọng hơn cả, trước các thông tin ngồn ngộn tràn ngập mạng xã hội, hơn bao giờ hết, mỗi cá nhân, nhất là những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, đến giới trẻ, hoặc thậm chí chỉ là một cá nhân bình thường trong xã hội, xin hãy chậm 3 giây, ý thức hơn trong việc sử dụng các câu, từ vốn có sức ảnh hưởng rất nhiều người. Bạn đã biết trưng lên những tấm ảnh đẹp đẽ nhất của khuôn mặt mình trên các nền tảng xã hội, thì há cớ gì phải dùng một dạng ngôn ngữ chưa đẹp, nếu không muốn nói là dị hợm, méo mó? Nếu không muốn nói là phá hoại ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta?
Nguyễn Thị Hồng Chi