Nhiều loại thuốc kỵ rượu bia mùa cuối năm

Nhiều loại thuốc kỵ rượu bia mùa cuối năm

Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc, những ly rượu sâm panh, ly bia mát lạnh hoặc vài ly cocktail với bạn bè trong dịp năm mới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể.

Rượu bia ảnh hưởng tác dụng của thuốc

Sau khi bạn uống thuốc, thuốc sẽ đi đến dạ dày. Từ đó, dược chất được hấp thụ và đưa đến gan, nơi chúng được chuyển hóa và phân giải một phần trước khi đi vào máu. Mỗi loại thuốc đều được sản xuất với liều lượng phù hợp với quy trình chuyển hóa xảy ra ở gan. Khi bạn uống rượu, chất cồn cũng phân hủy tại gan và có thể ảnh hưởng đến lượng thuốc được chuyển hóa. 

Dưới tác động của rượu bia, một số loại thuốc được chuyển hóa nhiều hơn, điều đó nghĩa là phần đi vào máu sẽ ít đi dẫn đến giảm tác dụng; một số loại thuốc khác lại được chuyển hóa ít hơn, kết quả bạn nhận được một liều lượng cao hơn nhiều so với dự định, điều này có thể dẫn đến quá liều. 

Tác dụng của rượu (chẳng hạn như gây buồn ngủ) có thể kết hợp cùng tác dụng tương tự của thuốc. Việc rượu bia có tương tác với thuốc hay không và tương tác như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng bao gồm loại thuốc, liều lượng, lượng rượu bia tiêu thụ, tuổi, gen, giới tính và sức khỏe tổng thể. Phụ nữ, người lớn tuổi và những người có vấn đề về gan có nhiều khả năng bị tương tác thuốc với rượu nhiều hơn.

Những loại thuốc không kết hợp tốt với rượu

Theo Nial Wheate – phó giáo sư tại Trường Dược Sydney (Úc) và Jessica Pace – giảng viên Đại học Sydney (Úc) – nhiều loại thuốc tương tác với rượu, chẳng hạn như thuốc thảo dược.
 

Nên cẩn trọng với rượu bia khi đang phải uống thuốc

Nên cẩn trọng với rượu bia khi đang phải uống thuốc

1. Thuốc + rượu = buồn ngủ, hôn mê, tử vong: Uống rượu và uống thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương để giảm hưng phấn hoặc tăng kích thích có thể gây tác dụng phụ. Cùng với nhau, dược chất và rượu có thể khiến bạn buồn ngủ hơn, làm chậm nhịp thở và nhịp tim; trong trường hợp cực đoan có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong. Các loại thuốc cần chú ý bao gồm thuốc điều trị trầm cảm, lo lắng, tâm thần phân liệt, giảm đau (trừ paracetamol), rối loạn giấc ngủ, dị ứng, cảm lạnh và cúm. Tốt nhất là không uống rượu với những loại thuốc này, hoặc tiêu thụ ở mức tối thiểu.

2. Thuốc + rượu = thêm tác dụng. Khi rượu kết hợp với một số loại thuốc có thể làm tăng tác dụng của những loại thuốc đó. Ví dụ như thuốc ngủ zolpidem không được uống cùng với rượu. Các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng bao gồm xuất hiện hành vi kỳ lạ trong khi ngủ, chẳng hạn như mộng du…

3. Thuốc + bia thủ công hoặc rượu tự ủ = huyết áp cao. Một số loại thuốc chỉ tương tác với một số loại thức uống có cồn riêng biệt, trong đó bao gồm một số loại thuốc điều trị trầm cảm (chẳng hạn như phenelzine, tranylcypromine và moclobemide), thuốc kháng sinh linezolid, thuốc selegiline trị Parkinson và thuốc trị ung thư procarbazine. Nhóm thuốc chứa chất ức chế monoamine oxidase này chỉ tương tác với một số loại bia thương mại và bia thủ công có cặn bọt cũng như rượu vang tự làm. Lý do, những sản phẩm trên chứa hàm lượng tyramine cao, một chất tự nhiên thường được cơ thể phân hủy và không gây ra bất kỳ tác hại nào. Tuy nhiên, chất ức chế monoamine oxidase ngăn cơ thể phân hủy tyramine. Điều này làm tăng nồng độ tyramine trong cơ thể và có thể khiến huyết áp tăng lên mức nguy hiểm.

4. Thuốc + rượu bia = ảnh hưởng ngay cả khi ngừng uống thuốc. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phân hủy rượu. Nếu bạn uống rượu trong khi sử dụng các loại thuốc này, bạn có thể cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, đỏ bừng mặt và cổ, cảm thấy khó thở hoặc chóng mặt, tim có thể đập nhanh hơn hoặc giảm huyết áp. Những triệu chứng có thể xảy ra ngay cả sau khi bạn ngừng điều trị. Chẳng hạn nếu bạn đang dùng metronidazole, bạn nên tránh uống rượu trong khi sử dụng thuốc và ít nhất 24 giờ sau khi ngừng dùng thuốc. 

Ngọc Hạ (tổng hợp)

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Dịch Vụ CNTT DHL - Bảo trì máy tính tận nơi