Một năm khiến ngành công nghệ trở về thực tại

Một năm khiến ngành công nghệ trở về thực tại

Ngành công nghệ được dự báo bùng nổ trong 2022, nhưng cuối cùng bước sang 2023 với tư thế của một trong những lĩnh vực suy giảm mạnh nhất.

Trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2022, Apple chạm mốc quan trọng khi trở thành công ty đại chúng đầu tiên chạm ngưỡng 3.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường. Microsoft và Google theo sau với khoảng cách không quá xa. Những người khổng lồ ngành công nghệ được dự đoán có thể đạt mức 5.000 tỷ USD trong tương lai gần.

Ngành công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong Covid-19, được đánh giá càng phát triển mạnh trong 2022. Sự hoành hành của biến chủng Omicron là dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngày càng gia tăng về thiết bị và dịch vụ kỹ thuật số từng giúp nhiều công ty cất cánh. Lãi suất cho vay gần 0% cho phép hàng loạt startup tiếp cận nguồn vốn mang lại giá trị cao và thường dành cho các khoản đầu tư mạo hiểm.

Dù vậy, 2022 kết thúc với kết cục khác hẳn dự đoán. Hàng loạt yếu tố khiến lĩnh vực công nghệ phải quay trở về “mặt đất” và trở thành một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại nhất năm.

Công nhân tại nhà kho của Amazon ở bang New York, Mỹ, hồi cuối năm 2020. Ảnh: Reuters.

Công nhân tại nhà kho của Amazon ở bang New York, Mỹ, hồi cuối năm 2020. Ảnh: Reuters.

Trong năm 2022, nhu cầu với những sản phẩm công nghệ chuyển dịch, lạm phát và lãi suất tăng cao, kèm theo nỗi lo về suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng và các nhà quảng cáo thắt chặn chi tiêu, tác động trực tiếp tới tình hình kinh doanh của nhiều công ty công nghệ.

Hậu quả là các hãng công nghệ chứng kiến thiệt hại lớn chưa từng thấy trong 10 năm qua. Cổ phiếu công nghệ lao dốc không phanh, hàng chục nghìn nhân sự bị sa thải, ngay cả tại những tập đoàn lớn như Amazon, HP và Meta. Thế giới tiền điện tử gần như sụp đổ. Ngành công nghệ, từng nổi tiếng vì bơm tiền cho các dự án nhiều tham vọng và rủi ro, đang phải áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, đóng cửa những mảng không đem lại hiệu quả.

Danh hiệu người giàu nhất thế giới, từng thuộc về tỷ phú Elon Musk, cũng được chuyển sang Chủ tịch tập đoàn thương hiệu xa xỉ LVMH Bernard Arnault, sau khi thương vụ mua Twitter của Musk khiến nhiều nhà đầu tư vào hãng ôtô điện Tesla lo ngại.

Theo CNN, điều này không chỉ xóa sổ tâm lý “vô địch” của ngành công nghệ, mà còn chấm dứt nhiều huyền thoại trong ngành. Thung lũng Silicon nhiều năm qua ca ngợi các lãnh đạo công nghệ là những người tiên phong có tầm nhìn đến tương lai xa, nhưng năm 2022 khiến nhiều trong số đó phải thừa nhận thực tế phũ phàng là họ không thể dự báo tình hình chỉ trước hai năm.

“Không may là mọi thứ đã không diễn ra như tôi dự đoán”, nhà sáng lập Mark Zuckerberg viết trong bản ghi nhớ gửi nhân viên hồi tháng 11 khi Meta sa thải 11.000 người. Ông không phải người duy nhất trải qua tình trạng này.

Khi đại dịch bùng phát đầu 2020, các công ty công nghệ phát triển mạnh mẽ khi nhiều người phải ở nhà và làm việc từ xa. Facebook tăng gần gấp đôi nhân sự và chi hàng tỷ USD cho những canh bạc như metaverse. Amazon cũng thuê lượng lớn nhân công và mở rộng gấp đôi trung tâm vận chuyển hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm online.

“Thế giới nhanh chóng chuyển sang trực tuyến khi Covid-19 xuất hiện, thương mại điện tử bùng nổ dẫn tới doanh thu tăng mạnh chưa từng thấy. Nhiều người dự đoán đà tăng này sẽ duy trì lâu dài, ngay cả khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng có chung quan điểm và quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư”, Zuckerberg cho hay.

Thế rồi, thị trường bắt đầu chuyển dịch mạnh trong năm 2022.

“Mọi người khó dự đoán được tương lai, chúng ta thường nghĩ những gì diễn ra hiện nay sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhưng thực tế, đại dịch chỉ là sự kiện bất thường và không ai biết điều gì sẽ đến sau đó”, Angela Lee, giáo sư ngành đầu tư mạo hiểm và chiến lược tại Trường Kinh doanh Columbia, nhận xét.

Hàng loạt lãnh đạo tại Thung lũng Silicon bắt đầu thừa nhận họ phát triển công ty quá nhanh hoặc đánh giá quá tích cực về đà tăng trưởng do Covid-19. Giá trị thị trường của Apple giờ đây còn hơn 2.000 tỷ USD, cổ phiếu của Amazon cũng mất giá khoảng 50%. Cổ phiếu Meta hứng chịu thiệt hại nặng nề hơn khi mất tới 2/3 giá trị, biến công ty từng có giá trị hơn 1.000 tỷ USD trong năm 2021 thành doanh nghiệp thua kém cả nhiều chuỗi siêu thị tại Mỹ.

Dữ liệu của công ty phân tích CB Insights cho thấy trung bình hơn hai startup với giá trị một tỷ USD trở lên ra đời trong mỗi ngày làm việc của năm 2021. Tỷ lệ này giảm xuống dưới một công ty/ngày làm việc trong quý III/2022, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020.

Lee, nhà sáng lập mạng lưới đầu tư 37 Angels, nói bà sẵn sàng thông qua nhiều thỏa thuận với các startup hồi năm 2021, nhưng không lặp lại điều đó trong năm 2022. “Tôi nghe được điều tương tự từ rất nhiều người”, bà nói thêm.

Giáo sư Lee cho rằng tình hình thắt lưng buộc bụng hiện gây tổn thất cho nhiều doanh nghiệp công nghệ, nhưng có thể là điều tốt với cả ngành này. Những biện pháp điều chỉnh như vậy sẽ loại bỏ những doanh nghiệp thừa thãi, bảo đảm các công ty có khả năng tài chính sẽ trụ vững.

“Nhiều người cho rằng ‘sắp đến ngày tận thế với ngành công nghệ’, nhưng tôi coi đây là trở lại trạng thái bình thường. Tôi không nghĩ đầu tư vào ngành công nghệ sẽ chấm dứt, mà nó chỉ chấm dứt sự điên rồ những năm gần đây”, bà nói.

Điệp Anh (theo CNN)

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Dịch Vụ CNTT DHL - Bảo trì máy tính tận nơi