Bánh, mứt có thể gây nguy hiểm đối với bệnh nhân suy thận
Càng gần tết, những gia đình có người thân mắc suy thận mạn tính giai đoạn cuối càng lo lắng bởi sự bận rộn công việc cuối năm khiến họ khó có thể chăm sóc thật tốt về ăn uống, nghỉ ngơi cho người bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM – năm nào các bác sĩ cũng nhắc nhở bệnh nhân suy thận mạn tính phải tuân thủ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và lọc thận theo lịch hẹn. Tuy nhiên, vẫn còn người bệnh vì kiêng cữ không đi chạy thận, hay quá thèm nên ăn bánh mứt dẫn đến rơi vào nguy hiểm.
Bệnh nhân suy thận mãn tính đang được điều trị |
Bác sĩ Tuấn cho biết một số loại bánh mứt, trái cây ngày tết như chuối, thơm, dưa hấu, nước dừa, quýt… chứa nhiều chất caramboxin, kali. Những chất này là dinh dưỡng với người bình thường nhưng với người bị suy thận mạn tính, chúng được xem như một loại độc chất về thần kinh. Nếu người bệnh ăn quá nhiều sẽ như bị “trúng độc”, không được cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong rất cao.
Đáng lo ngại, những món này rất hấp dẫn người suy thận mạn tính do phải kiêng cữ trong suốt thời gian dài. Ngày tết, đồ ăn bày ra trước mắt sẽ khó bỏ qua. Như trường hợp bệnh nhân nữ (60 tuổi) ở miền Tây, do thèm mứt trái cây, bà lén cất đi một bịch chuối khô để ăn dần rồi bị chóng mặt, buồn nôn nhưng cố chịu đựng. Chiều đến, bà than mệt, ói rồi lên cơn co giật, gia đình đưa bà đi cấp cứu. Sau khi qua khỏi nguy kịch, bà mới thú nhận ngoài ăn chuối khô, bà cũng uống một ly nước dừa tươi vì quá thèm.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Đình Nghĩa – Trung tâm Lọc máu Bệnh viện An Sinh – cũng cho biết, với người bệnh suy thận giai đoạn cuối, ngoài chế độ nghỉ ngơi phù hợp, 2 vấn đề quan trọng nhất để kéo dài chất lượng cuộc sống chính là tuân thủ mức độ thức ăn và lượng nước uống vào cơ thể dù trong ngày thường hay lễ, tết.
Về nước uống, bệnh nhân suy thận giai đoạn đầu khi đi tiểu được từ 700ml nước tiểu thì có thể bổ sung từ 1,3 – 1,4 lít nước/ngày. Lượng nước này bao gồm nước uống, nước trong rau củ quả, các món ăn chứa nước cộng lại. Với người bệnh tiểu ít, có thể uống một lượng nước vừa đủ. Còn bệnh nhân không đi tiểu được, nên uống nước dưới 1 lít/ngày. Lưu ý, người bệnh nên uống nước lọc, hạn chế tối đa nước ngọt và thức uống có cồn.
Hầu hết người suy thận mạn đã bị huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, khi ăn quá nhiều thực phẩm chứa muối, protein, hay chất béo quá cao sẽ làm cho người bệnh bị phù, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim… nếu không được lọc máu kịp thời, thận sẽ tổn thương nhanh hơn.
Để có một mùa tết trọn vẹn hơn, người mắc suy thận mạn tính cần hạn chế ăn bánh chưng, thịt đông, tôm khô, khô bò, giò chả, xúc xích, củ kiệu, dưa chua, nội tạng heo, bò hay các loại bánh mứt; không nên ăn nhiều chuối, cam, khế, nho… Người bệnh cũng cần tránh ăn các loại trái cây sấy khô, nước ngọt, nước dừa… Bởi dù là trái cây khô nhưng hàm lượng dinh dưỡng vẫn được cô đặc trong mứt trái cây cũng vẫn sẽ làm người suy thận tăng kali gây nên tình trạng ngộ độc tại chỗ. Đặc biệt, bia rượu, các loại nước ngọt có gas thường gây nhiều biến chứng về đột quỵ, người mắc suy thận tuyệt đối không sử dụng.
Những ngày tết, người mắc suy thận mạn tính cần uống nước, ăn thực phẩm theo hướng dẫn của bác sĩ. Có thể ăn lòng trắng trứng, thịt nạc, cá, bổ sung sữa dành cho người suy thận để đảm bảo dinh dưỡng. “Nếu quá thèm trái cây, bánh mứt, người bệnh có thể ăn một lượng nhỏ. Tốt nhất, ăn uống cách 2 tiếng đồng hồ trước khi lọc máu để có thể kịp thời loại bỏ độc tố. Không nên ăn bánh mứt ngay sau khi lọc máu vì khả năng tích tụ độc tố, tích nước rất cao”, bác sĩ Nghĩa nói.
Quan trọng nhất, người bệnh phải lọc thận đúng theo chỉ định, không nên kiêng cữ, chịu đựng nếu ngày chạy thận rơi vào những ngày đầu năm.
Phạm An